bizecoGroup - I am for you- We are for Vietnam!

Wednesday, December 21, 2005

Tiểu sử John M. Keynes


THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA JOHN MAYNARD KEYNES (1883 - 1946)

J.M. Keynes sinh ngày 05 tháng 6 năm 1883 tại Cambridge (Anh) trong một gia đình có văn hoá và được chăm sóc đầy đủ. Bố ông là John Neville Keynes, làm giảng viên trường đại học Cambridge, dạy môn logic và kinh tế chính trị học. Mẹ ông tên là Florence Ada, một trong những người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp trường đại học Newham. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên trở thành cố vấn cho thị trưởng Cambridge. Năm 1932, bà được bầu làm thị trưởng và nổi tiếng về chủ nghĩa nữ quyền.

Năm 14 tuổi, ông vào trường đại học Eton, một trường chuyên đào tạo ra những nhân vật ưu tú của nước Anh. Khi học ở đây, ông đạt toàn điểm ưu nên năm 1902, ông được chuyển về học tại Học viện Hoàng gia thuộc trường Đại học Cambridge và học chuyên về môn toán. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục ở lại trường Cambridge học thêm triết học và kinh tế học.

Năm 1906, ông vào làm việc ở Bộ Sự vụ Ấn Độ của Chính phủ trong 2 năm. Năm 1908, ông nhận lời mời của A. Marshall về làm việc tại Học viện hoàng gia thuộc trường đại học Cambridge, giảng dạy nguyên lý kinh tế chính trị học và lý luận về tiền tệ, cùng năm đó, ông biên soạn cuốn sách: "Bàn về sắc suất", nhờ đó ông trở thành cán bộ nghiên cứu của Học viện hoàng gia của trường. Từ đó về sau, ông vừa giảng dạy ở trường Đại học Cambridge, vừa phục vụ Chính phủ hoặc giới tài chính tiền tệ cho đến năm 1942.

Năm 1909, ông sáng lập ra câu lạc bộ kinh tế chính trị học và đạt giải thưởng Adam Smith do viết cuốn "Phương pháp xây dựng chỉ số". Trong suốt thời gian dài từ năm 1911 đến 1944, ông kiêm chức chủ nhiệm "Tạp chí kinh tế" của Hiệp hội kinh tế Hoàng gia. Từ năm 1913 đến 1914, ông giữ chức thư ký uỷ ban tiền tệ và tài chính Ấn Độ của hoàng gia. Năm 1914, nước Anh bước vào cuộc chiến, ông trở thành một chuyên gia tin cậy của Sở kho bạc, ông đã hoạt động cuồng nhiệt đến kiệt sức để giải quyết vấn đề cấp tài chính cho chiến tranh.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, ông chuyển từ Cambridge về Bộ Tài chính, ông luôn luôn được trọng dụng và đề bạt. Năm 1919 là trưởng đoàn đại biểu tài chính tham dự Hội nghị Hoà ước Versailles ở Paris, nhưng do ý kiến bất đồng, nên ông tách khỏi đoàn đại biểu Anh. Sau khi về Cambridge, với nỗ lực bản thân, ông thành lập "Hệ kinh tế học đo lường". Từ năm 1921 đến năm 1938, ông hoạt động đầu tư tiền tệ và trở thành thương gia giàu có, đồng thời kiêm chức Hội đồng quản trị Công ty Hỗ trợ bảo hiểm nhân thọ toàn quốc. Năm 1925, ông kết hôn với nữ diễn viên chính Liubovskaia của đoàn ba lê Nga, sinh được 02 người con. Năm 1930, ông giữ chức vụ Chủ tịch Uỷ ban cố vấn kinh tế nội các.

Trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ hai, ông lại là thành viên chủ yếu của Uỷ ban tư vấn của Bộ Tài chính, trở thành nhân vật có tác dụng hết sức quan trọng của giới tài chính Anh trong thời chiến.

Từ năm 1941 trở đi, ông công tác tại Ngân hàng Anh. Năm 1942, ông được phong làm nam tước Tilton (Lord Keynes of Tilton). Năm 1944, ông dẫn đầu đoàn đại biểu của Anh đến Mỹ tham dự Hội nghị tài chính tiền tệ quốc tế, trong hội nghị này, ông đã có tác dụng rất quan trọng, ông đã tích cực vạch kế hoạch lập hai tổ chức là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới về tái thiết và phát triển (tức Ngân hàng thế giới - WB ngày nay) do ông làm thống đốc. Ông mất năm 1946 do bệnh tim, thọ 63 tuổi.

J.M. Keynes viết nhiều tác phẩm, tác phẩm đầu tiên "Tiền tệ và tài chính Ấn Độ", "Hậu quả kinh tế của hoà ước" năm 1919, "Thuyết cải cách tiền tệ" năm 1923, "Hậu quả kinh tế của ngài Churchill" năm 1925, "Thuyết tiền tệ" năm 1930. Năm 1926, ông phát biểu bài "Sự kết thúc của chủ nghĩa tự do thả nổi". Năm 1933, ông phát biểu bài "Con đường đi tới phồn vinh". Năm 1936, ông xuất bản cuốn "Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ". Sau khi tác phẩm được công bố đã diễn ra một cuộc tranh luận kịch liệt, những người tranh luận đều công nhận phương pháp tư tưởng mới của ông. "Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ" diễn đạt toàn diện nhất tư tưởng kinh tế của Keynes. Giới kinh tế học phương Tây đánh giá quyển sách đã dẫn đến một cuộc cách mạng của Keynes trong kinh tế học.

J.M. Keynes được các học giả phương Tây coi là người có tính sáng tạo, ông là nhà kinh tế học cả ảnh hưởng lớn nhất đối với kinh tế học phương Tây hiện đại và chính sách kinh tế của các Chính phủ.

Vào những năm 30 của thế kỷ XX, ở các nước phương Tây, khủng hoảng kinh tế diễn ra thường xuyên, tình trạng thất nghiệp trở nên nghiêm trọng. Lý thuyết kinh tế của trường phái cổ điển và trường phái tân cổ điển, mà nội dung cơ bản của nó là sự điều tiết của cơ chế thị trường sẽ đưa nền kinh tế đến sự cân bằng, không cần có sự can thiệp của Nhà nước vào kinh tế đã không thể giúp ích cho việc khắc phục khủng hoảng và thất nghiệp. Lý thuyết kinh tế tự điều chỉnh bị thất bại trước thực tế phũ phàng của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, đặc biệt một cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929 - 1933 đã làm tan rã tư tưởng tự do kinh tế.

Mặt khác, vào đầu thế kỷ XX, lực lượng sản xuất và sự xã hội hoá sản xuất phát triển, độc quyền ra đời và bắt đầu bành trướng thế lực. Trước tình hình đó đòi hỏi phải có sự điều tiết của Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế ở các nước tư bản chủ nghĩa. Vì thế, lý thuyết kinh tế "Chủ nghĩa tư bản có điều tiết" ra đời, sáng lập ra nó là John Maynard Keynes.

Sau khi Keynes mất, làm thế nào để kế thừa và phát triển tư tưởng của Keynes, các nhà kinh tế học theo học thuyết Keynes đều đưa ra sự kiến giải của mình, đặc biệt là sau khi áp dụng rộng rãi học thuyết Keynes đã nảy sinh hàng hoạt vấn đề mới, nạn thất nghiệp và lạm phát xảy ra cùng một lúc, mỗi người một ý, tranh cãi liên miên và hình thành cái gọi là "học thuyết hậu Keynes", "học thuyết Keynes mới", "học thuyết Keynes hiện đại". Việc sửa đổi, bổ sung lý thuyết của Keynes chủ yếu biểu hiện: Phát triển việc phân tích trạng thái tĩnh, ngắn hạn sang phân tích trạng thái động, dài hạn; lấy phân tích quá trình bổ sung cho việc phân tích bình quân; lấy nguyên lý gia tốc bổ sung cho nguyên lý số nhân; đưa ra các loại thuyết giao động kinh tế và tăng trưởng kinh tế, cụ thể hoá các chính sách kinh tế; phác hoạ ra con đường tăng trưởng ổn định.

Học thuyết Hậu Keynes đại thể chia làm hai phái:

- Thứ nhất , "Trường phái chính sau Keynes", đại biểu là nhà kinh tế học Mỹ Paul A. Samuelson. Đầu năm 1950, ông dùng tập hợp từ "Trường phái cổ điển tổng hợp mới", sau đó được thay bằng "Dòng kinh tế học chính sau Keynes" để nói họ không những là học thuyết Keynes mà còn là dòng chính của nó, hiện nay gọi là trường phái chính hiện đại.

- Thứ hai , "Trường phái Cambridge mới" hay "Trường phái Keynes cánh tả" hình thành vào những năm 50, 60, mà đại biểu là nhà kinh tế học Anh Joan Robinson. Trường phái này xuất phát từ nguyên lý cầu có hiệu quả của Keynes, nhấn mạnh về lý luận phân phối, đồng thời tiếp thu một số quan điểm của nhà kinh tế học Ba Lan Karaiski, mở rộng phân tích ngắn hạn của Keynes thành phân tích dài hạn, phát triển phân tích trạng thái tĩnh thành phân tích trạng thái động.

Tóm lại, học thuyết của Keynes đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế học phương Tây cả về sau nay. Ông được coi là "Copernicus trong kinh tế học".

***

Lê Linh Thu
14/08/2004


Tuesday, December 20, 2005

Tiểu sử Karl Marx


Karl Marx - The great socialist thinker
Karl Heinrich Marx sinh ngày 5-5-1818 tại Trier, nước Đức (chính xác ra, ông sinh tại nước Prussia hay còn gọi là nước Phổ-nước lớn nhẩt trong số các vương quốc nước Đức) trong một gia đình trung lưu. Cha mẹ ông là Hirschel và Henrietta Marx. Cha ông, một luật sư, vốn là người Do Thái, tuy nhiên để tránh chủ nghĩa bài Do Thái, ông đã từ bỏ tín ngưỡng của mình khi Karl Marx còn nhỏ và trở thành một người theo đạo Tin Lành. Ông cũng đổi tên mình thành Heinrich.

Năm 17 tuổi, Karl Marx nhập học đại học Bonn , ngành luật. Ở đây , ông đã đính hôn với Jenny von Westphalen, con gái của Nam tước von Westphalen, một người nổi tiếng ở vùng Trier . Vị nam tước này là người đã đưa Marx đến thế giới văn học và chủ nghĩa lãng mạn. Sau đó Marx chuyển lên học ở đại học Berlin và từ đây cuốc đời của ông đã thay đổi.

Tại Berlin , Karl Marx đã dần dần chịu ảnh hưởng của một trong những giáo sư của ông, Bruno Bauer. Brauer đã giới thiệu Marx đến với những bài viết của G. W.F Hengel, giáo sư triết học của đại học Berlin . Những khái niệm của Hengel đã cuốn hút Marx. Hengel đã lập luận rằng bất cứ cái gì cũng không thể tách rời mặt đối lập của nó, ví dụ như không thể có mặt bàn nếu không có đáy bàn, không thể có đầy tớ nếu không có chủ...Và mọi thứ sẽ trở nên thống nhất qua sự cân bằng của những cái đối lập thông qua phép biện chứng của những luận điểm, phản luận điểm và sự tổng hợp. (Nguyên văn: unity would eventually be achieved by the equalizing of all opposites, by means of the dialecti (logical expression) of thesis, antithesis and synthesis-trích từ trang web www.spartacus.schoolnet.co.uk/TUMarx.htm).

Năm 1838, cha của Marx qua đời, Marx bắt đầu phải tự kiếm sống. Ông muốn làm một giảng viên đại học, tuy nhiên, do tham gia vào các hoạt động chống đối chính phủ cùng vị giáo sư của mình, Bruno Bauer, Marx đã không thể bước lên bục giảng. Do đó ông chuyển hướng sang ngành báo chí. Nhưng do tính chất bài viết của ông có tính chất chỉ trích chính quyền đương đại cao nên không một tờ báo nào dám đăng bài của ông. Không nản lòng, Marx chuyển đến sống tại Cologne , nơi mà những hoạt động chống đối phát triển mạnh. Phái chống đối được biết đến dưới cái tên Vòng tròn Cologne xuất bản tờ báo riêng, tờ The Rhenish Gazette. Ấn tượng trước một bài báo của Marx, trong đó ông lên tiếng bảo vệ tự do báo chí, tờ báo đã mời Marx làm biên tập viên.

Tại Cologne, Marx đã gặp Moses Hess, người tự xưng là một người theo chủ nghĩa xã hội. Từ đó, Marx đã bắt đầu tham dự những cuộc họp của những người theo chủ nghĩa này dưới sự tổ chức của Hess. Dựa trên những gì biết được từ các cuộc họp, Marx đã viết một bài báo về sự nghèo khổ của nông dân và chỉ trích chính phủ mạnh mẽ. Sau khi bài báo được phát hành, chính phủ nước Phổ đã quyết định cấm sự phát hành của tờ báo. Lo ngại mình sẽ bị bắt, Marx cùng người vợ trẻ đã quyết định di trú sang Pháp.

Tại Paris, Marx làm biên tập viên cho một tờ báo chính trị tuy nhiên nó chỉ phát hành được một số. Tại Pháp, Marx chuyên tâm vào việc tìm hiểu thêm về kinh tế chính trị và lịch sử cách mạng Pháp. Tại đây, Marx đã được tiếp xúc với tầng lớp lao động Pháp. Ông đã được chứng kiến sự nghèo khổ nhưng lại vô cùng đoàn kết của họ. Marx đã tự nhận mình là một người cộng sản và ông lập luận rằng tầng lớp lao động sẽ là người giải phóng xã hội. Cũng tại Parí, Marx đã làm quen và trở nên than thiết với Friedrich Engels, con của một thương gia giàu có. Engels có chung quan điểm với Marx và hai người nhanh chóng trở thành bạn than.

Năm 1844, Marx viết "Bản thảo về kinh tế và chính trị" (Economic and Philosophic Manuscripts) trong đó ông bày tỏ quan điểm cộng sản của mình. Bản thảo này chỉ được phát hành gần một thế kỷ sau vào những năm 1930. Cuối năm đó, dưới sức ép của chính phủ Phổ, Marx và Engels đã bị trục xuất ra khỏi Pháp, hai người đã đến Bỉ. Được Engels chu cấp tài chính, Marx chuyên tâm vào nghiên cứu lịch sử, kinh tế và chính trị. Trong những bản thảo của mình, thông qua việc nghiên cứu lịch sử các quá trình sản xuất từ cộng sản nguyên thủy cho đến tư bản chủ nghĩa Marx đã dự đoán sự sụp đổ của chế độ tư bản và thay vào đó là chế độ xã hội chủ nghĩa. Marx là một nhà triết học, nhưng khác với những người khác, ông không chỉ tìm cách giải thích các hiện tượng trên thế giới, mà còn tìm cách thay đổi nó.

Trong thời gian này Marx đã viết cuốn "The German Ideology" (xin thứ lỗi vì tôi không biết dịch tên cuốn sách này như thế nào cho đúng) và "The Poverty of Philosophy". Marx và Engels tham gia vào Liên Minh Cộng Sản (Communist League) và nhanh chóng chở thành những nhân vật chủ chốt. Năm 1848, sau khi xuất bản tuyên ngôn cộng sản (The Communist Manifesto) Marx và Engel bị trục xuất khỏi Bỉ. Hai người đã quay trở lại Pháp, rồi Cologne, Đức nơi mà họ lập ra tờ báo The New Rhenish Gazette. Tờ báo nhanh chóng bị đóng cửa bởi chính quyền Phổ và hai người lại bị trục xuất. Họ định sang Pháp, nơi mà Marx dự đoán cách mạng sẽ nổ ra, nhưng họ nhanh chóng bị cảnh sát truy tìm và trục xuất. Chỉ còn một nơi duy nhất để cho hai người đến, đó là nước Anh.

Tại Anh, gia đình của Marx đã phải sống vô cùng nghèo khổ. Marx có 5 người con nhưng 3 người đã chết non. Engels trở về Đức để làm việc cho cha ông nhưng hai người ẫn giữ quan hệ thường xuyên. Gia đình Marx lúc này sống chủ yếu nhờ vào tiền trợ cấp hàng tháng của Engels.

Tuy nhiên, vận may đã đến với Marx khi vào năm 1852, Marx chở thành cộng tác viên của The New York Daily Tribune. Từ số tiền kiếm được qua việc viết báo và tiền thừa kế của mẹ vợ ông, Marx đã có cuộc sống khấm khá hơn.

Marx tiếp tục tiến hành những nghiên cứu của mình và năm 1859, ông xuất bản cuốn "A contribution to the Critique of Political Economy" trong đó ông lập luận rằng các thế lực kinh tế là cái quyết định đến kiến trúc thượng tầng của tôn giáo, chính trị, luật pháp, nghệ thuật và triết học. Không may cho Marx, việc viết bài cho The New York Daily Tribune chấm dứt vào đầu những năm 60. Engels vẫn tiếp tục gửi tiền cho Marx, tuy rằng điều đó không giúp ông tránh khỏi những khoản nợ nần ngày càng tăng cao. Một người Đức khác, Ferdinand Lasselle, cũng gửi tiền trợ cấp cho Marx.

Mặc dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Marx đã gần như sống hoàn toàn trong thư viện để tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt là về kinh tế và lịch sự phát triển của xã hội cùng đấu tranh giai cấp. Năm 1867, ông đã cho ra đời một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình "Tư Bản" ("Das Kapital"). Những năm sau đó, với sự ủng hộ và cộng tác của người bạn tri kỉ Engel, Max đã hoàn thành nốt hai cuốn "Tư bản 2" và "Tư bản 3", để lại cho xã hội loài người cả một thời kì phát triển lịch sử.

Ngày mùng hai tháng 12, vợ ông bà Jenny Marx qua đời, rồi tiếp đó vào tháng 1 năm 1883, con gái cả của ông cũng ra đi. Marx đã gần như hoàn toàn suy sụp. Và hai tháng sau, vào ngày 14 tháng 3 năm 1883, Marx cũng đã ra đi. Ông được an táng tại nghĩa trang Highgate ở Bắc London.


--------------------------------------------------------------------------------

Sơ lược về quyển "Tư bản" ("Da Kapital")
Trong cuốn sách này, Marx đã ghi lại được hầu hết các khái niệm và sự phát triển kinh tế của xã hội loài người, kể từ khi mới thành lập đến tận bây giờ. Ông cũng đã đưa ra những định nghĩa về lao động, giá trị lao động, và giá trị thặng dư ("surplus labour"), để từ đó giải thích cách làm việc của chủ nghĩa tư bản, và cùng là để lí giải tại sao giai cấp tư bản phải được lật đổ. Theo Marx, công nhân trong nhiều thập kỉ đã phải chịu làm theo lối "tối đa giờ lao động và tối thiểu lương nhân công", phục vụ cho sự giầu có vô hạn của giai cấp tư sản. Từ đó cho thấy, giai cấp tư sản không xứng đáng và không thể lãnh đạo đ ược nữa, giai cấp này phải được lật đổ. Khởi nghĩa của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của cộng sản cũng vì thế mà đi đến chiến thắng tất yếu, xây dựng một xã hội mới mà mỗi con người "làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu", ( " from each according to his ability, to each according to his need"); và cuối cùng, sự cần thiết cho một chính phủ tồn tại cũng không còn, nhà nước sẽ "tan" ra và hòa vào mỗi người dân lao động.

***

Lê Thành Nam
08/08/2004
Bài viết được chỉnh sửa và bổ xung bởi Nguyễn Xuân Hải


Monday, December 19, 2005

Tiểu sử Thomas R. Malthus


Thomas Robert Malthus (1766 - 1834)

Thomas Robert Malthus sinh ngày 13 tháng 02 năm 1766, tại Dorking, vùng đất ở phía Nam London, thủ đô nước Anh. Bố ông gọi ông là "Bob". Ông là con trai thứ 2 trong một gia đình có 8 người con mà 6 người trong số đó là con gái. Bố ông, Daniel Malthus, một người Gia-cô-banh nhiệt huyết và chơi với Voltaire, Rousseau và Hume; thực tế, khi Malthus còn nhỏ, Hume đã đưa Rousseau đến nhà Malthus, nơi được biết đến như là "Rookery" (Năm 1759, bố ông mua một lâu đài nhỏ sang trọng và gọi nó là Rookery).

Khi còn nhỏ, Robert được dạy dỗ riêng, một phần là do cha ông, một phần là do gia sư dạy kèm. Một trong số gia sư là Richard Graves (1715 - 1801), một nhà văn, năm 1772, ông đã viết tập "Tinh thần Đông Ki Sốt", một tập thơ trào phúng của những người theo hội Giáo lý. Một người gia sư nữa là Gilbert Wakefield (1756 - 1801). Wakefield là một người tôn sùng Rousseau khác, và, vào năm 1799, Wakefield "bị bỏ tù tại một nhà tù ở Dorchester vì đã ước muốn Pháp sẽ có một cuộc cách mạng để xâm lược và chinh phục nước Anh". Năm 1784, khi được 18 tuổi, Malthus vào học trường đại học Jesus tại Cambridge . Mặc dù bị nói lắp nhưng ông vẫn học tốt. Ông lấy bằng thạc sỹ năm 1791.

Hai năm sau khi tốt nghiệp đại học, Malthus đã "thụ giới" và trở thành cha phó trong một nhà thờ yên tĩnh ở Anh. Trở thành một giáo sĩ đối với một người trẻ tuổi thời đó là không bình thường, đặc biệt là với một người rất giàu, vì ông là một người con trai sinh sau người con trai đầu tiên, trở thành một giáo sĩ. Điều này đã đưa lại cho ông ta sự tôn kính, cái mà đã mở ra cho ông cơ hội trong chính trị. Năm 1796, ông nhận trách nhiệm tại giáo khu ở Albury, Surrey , sống cùng cha ông, Daniel và viết tác phẩm đầu tay. Ông luôn tranh cãi với cha ông về đề tài "một xã hội hoàn hảo" mà sau này được phát triển bởi William Godwin và Hầu tước vùng Condorcet, điều này làm cho Malthus quyết định viết ý tưởng của mình ra thành sách. Cuối cùng, đến năm 1798, Malthus tung ra cuốn "Bàn về quy luật dân số".

Cuốn sách đặt ra giả thuyết rằng sự tăng dân số luôn vượt quá sự tăng các phương tiện sinh hoạt. Malthus xuất phát từ những hiện tượng của giới thực vật, động vật, có khả năng sinh sôi nảy nở vô hạn và thiên nhiên lại tỏ ra "tiết ước" về chỗ ở, thức ăn, do đó, những đơn vị thừa ra phải chết đi, thế giới động vật, thực vật được giữ lại trong giới hạn của dự trữ thức ăn. Malthus đem những quy luật thuần tuý có tính chất sinh vật học của tự nhiên áp dụng vào xã hội loài người và chứng minh rằng cứ 25 năm, dân số lại tăng gấp đôi, còn tư liệu sinh hoạt không thể tăng nhanh hơn cấp số cộng. Ông phác hoạ ra bức tranh thảm hoạ của sự phát triển loài người và kết luận rằng cái khuynh hướng dân số muốn thường xuyên sinh sôi nảy nở, vượt quá tư liệu sinh hoạt là quy luật dân số, nó tác động mạnh mẽ ngay từ khi xã hội sinh ra. Theo Malthus, sự nghèo khổ, đói khát, chết dần chết mòn và những nỗi bất hạnh khác không phải do chế độ xã hội mà do số dân không thích ứng tư liệu sinh hoạt, do những quy luật tự nhiên và thói hư tật xấu của con người. Malthus nói: "Nhân dân phải tự buộc tội bản thân mình là chủ yếu về những sự đau khổ của mình". Malthus cũng cố chứng minh lý luận của mình bằng những tài liệu thực tế. Ông vin vào tình hình dân số gia tăng ở Mỹ để chứng minh dân số tăng theo cấp số nhân. Dựa vào những tài liệu ở nước Pháp để lấy quy luật màu mỡ đất đai giảm dần "làm cơ sở để chứng minh tư liệu sinh hoạt tăng theo cấp số cộng". Malthus cho rằng, những cái điều tiết thăng bằng dân số và tư liệu sinh hoạt là những lực lượng có tính chất phá hoại, là thói hư tật xấu, nạn đói kém bần cùng, dịch bệnh và chiến tranh. Trong lần tái bản của cuốn "Bàn về quy luật dân số", ông nhấn mạnh đến liệu pháp phòng ngừa và hạn chế sinh đẻ. Karl Marx đã lên án cuốn "Bàn về quy luật dân số" của Malthus, coi đó là cuốn sách phỉ báng loài người một cách vô liêm sỉ, tính chất thấp hèn của tư tưởng Malthus là nhằm phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị nói chung và những phần tử phản động trong giai cấp đó.

Năm 1799, ông đi ngao du ở Châu Âu, đến năm 1803, ông cho tái bản cuốn "Bàn về quy luật dân số". Năm 38 tuổi, ông lấy vợ. Đây là một sự kiện dẫn dắt ông, năm đó, 1804, rời khỏi nơi ẩn náu an toàn của "hội độc thân" tại Cambridge . Hôn nhân của ông hoá ra lại hạnh phúc; ông có 3 người con.

Năm 1805, ông được mời làm giáo sư dạy môn Lịch sử hiện đại và Kinh tế chính trị ở trường Haileybury, một trường cao đẳng dạy cho các viên chức nhà nước của một công ty Đông Ấn, do đó ông trở thành nhà kinh tế học người Anh đầu tiên. Cuộc đời ông cứ bình lặng trôi đi như một học giả, một giáo viên ở trường Haileybury. Malthus kiếm được tiền từ viết sách lần đầu tiên vào năm 1800, khi ông xuất bản một cuốn sách nhỏ (cuốn sách này đã được Keynes ca ngợi nhiều), giải thích thuyết nội sinh của tiền tệ. Ngược lại với thuyết về số lượng, Malthus tranh luận rằng việc tăng giá sẽ kéo theo việc tăng cung tiền. Khoảng năm 1810, ông tình cờ đọc được một số bài viết của một người môi giới chứng khoán, David Ricardo, về vấn đề tiền tệ. Ông lập tức viết thư cho Ricardo và hai người đã hợp nhau ngay lần gặp đầu tiên và tình bạn của họ kéo dài hàng chục năm. Họ tìm thấy các mặt đối lập của họ ở mọi vấn đề trong thực tiễn.

Trong thời gian này, ông đã viết và xuất bản được một vài cuốn sách khi ông chưa được nổi tiếng lắm. Chẳng hạn như cuốn "Nghiên cứu về hiệu quả của các đạo luật về ngũ cốc" năm 1814. Trong cuốn sách này, chính ông đã đưa đạo luật về ngũ cốc ra tranh cãi ở Quốc hội. Sau cuốn sách đầu tiên, những nghiên cứu, đưa ra những điều đúng và sai của luật mà những người bảo hộ nền công nghiệp nội địa đưa ra, Malthus ủng hộ tự do thương mại, tranh luận rằng trồng ngũ cốc ở Anh làm tăng chí phí trồng trọt. Ông lại đổi ý vào năm sau, năm 1815, trong cuốn "Cơ sở lý luận của chính sách hạn chế nhập khẩu ngũ cốc của nước ngoài", ông lại đi cùng hướng với những người bảo hộ đó. Luật nước ngoài, ông nói, thường ngăn cấm hoặc tăng thuế với việc xuất khẩu ngũ cốc trong thời kỳ đói kém, điều đó có nghĩa rằng việc cung cấp lương thực ở Anh bị ràng buộc vào chính sách nước ngoài. Để khuyến khích sản phẩm nội địa, Malthus nói, luật ngũ cốc đảm bảo tự cung tự cấp lương thực cho nước Anh. Cuốn sách "Những nguyên lý của Kinh tế chính trị", được viết ông viết vào năm 1920. Nó khác trường phái Ricardo ở một vài điểm. Chẳng hạn như Malthus giới thiệu ý tưởng về đường cầu theo hướng hiện đại, như quan niệm về mối quan hệ giữa giá cả và sản lượng. Ông chú ý nhiều đến việc bình ổn giá trong ngắn hạn, khẳng định lý luận về giá trị lao động.

Ông được mô tả trong tiểu sử như là "một người có thân hình cao, thanh lịch không kém hạnh kiểm của ông, đây đúng là một quý ông hoàn hảo"; "Một người nhã nhặn, tốt bụng". Mặc dù được mô tả như vậy, Malthus vẫn chịu "sự xuyên tạc, bóp méo và lộng hành của cả hai giới: cách mạng và bảo thủ".

Ông mất ngày 29 tháng 12 năm 1834, tại một địa điểm phái bên ngoài Bath .

***

Lê Linh Thu
18/08/2004


Tiểu sử David Ricardo


David Ricardo-The great classical economist

David Ricardo sinh ngày 19 tháng tư năm 1772 tại London , Vương Quốc Anh. Ông là con thứ 3 trong một gia đình người Do Thái di cư từ Hà Lan đến. Năm 14 tuổi, David Ricardo đã theo cha vào làm việc tại thị trường chứng khoán London và nhanh chóng thể hiện tài năng trong lĩnh vực này. Đến năm 21 tuổi, Ricardo đã có những xung đột với gia đình, ông đã từ bỏ đạo Do Thái để cưới Priscilla Anne Wilkinson một người theo đạo Quaker. Bản thân Ricardo thì theo Nhất thể giáo (tín đồ của giáo phái tin rằng Chúa là một người duy nhất chứ không phải ba ngôi).

Với tài năng kinh doanh trên thị trường chứng khoán, David Ricardo trở nên vô cùng giàu có (khi ông mất tài sản của ông theo thống kê là $100 triệu theo giá bây giờ). Với một tài sản khổng lồ, Ricardo quyết định nghỉ hưu. Ông mua khu nhà Gatcomb Park tại vùng nông thôn Gloucestershire và chuyển về sống ở đó.

Trước đó, vào khoảng năm 1799, David Ricardo đã được đọc quyển sách "Sự giàu có của các quốc gia" (The Wealth of Nations) của Adam Smith và niềm đam mê kinh tế học trong ông đã nhen nhóm từ đó. Là một người cởi mở và thông minh, Ricardo thường đem những vấn đề kinh tế nói chuyện với bạn bè mình, trong đó có James Mill. Ricardo bắt đầu đặt dấu ấn của mình trong ngành kinh tế học khi vào năm 1809, ông đã viết và lập luận rằng sự gia tăng lạm phát của Vương Quốc Anh là do việc xuất hành quá nhiều tiền giấy. Ricardo đề xuất việc chuyển tiền tệ từ dạng giấy sang dạng kim loại (điển hình là vàng) để bình ổn thì trường.

Năm 1815 David Ricardo viết "Essay on the influence of a low price of corn the profit of stock", một tác phẩm mang tính chất đột phá. Trong bài viết đó, Ricardo đã đề cập đến một thứ mà sau này được biết đến là một trong những định luật vĩ đại nhất của kinh tế học, "law of diminishing maginal returns". Định luật này nói lên rằng nếu càng nhiều tài nguyên được sử dụng kết hợp với một lượng cố định của một tài nguyên khác, ví dụ như là gia tăng nhân công hoặc máy móc trong một nhà máy, trong khi giữa những yếu cố còn lại không đổi, thì sự gia tăng về sản lượng sẽ giảm dần.

Đến năm 1819, ông giành được một chỗ trong nghị viện của Anh. Ông luôn ủng hộ và kêu gọi chính phủ Anh tiến hành việc thương mại tự do với các nước khác. Chính ông, với ví dụ kinh điển về Anh và Bồ Đào Nha, đã đưa ra thuyết lợi thế so sánh (hoặc tương đối-"Theory of comparative advantage"). Thuyết này được giải thích đơn giản như sau. Anh và Bồ Đào Nha đều sản xuất vải và rượu vang. Tuy nhiên Bồ Đào Nhà đều có thể sản xuất hai thứ đó với một hiệu suất tốt hơn (sản lượng mỗi giờ cao hơn). Vậy giả dụ một giờ một nhân công Bồ Đào Nha có thể làm 10 thùng rượu và 10m vải trong khi ở Anh họ chỉ làm được 2 thùng rượu và 5m vải. Tuy Bồ Đào Nha có lợi thế về cả hai sản phẩm, song, họ có thể sản xuất rượu với năng suất gấp 5 lần người Anh trong khi năng suất làm ra vải chỉ hơn có 2 lần. Ricardo lập luận rằng, như vậy, tuy việc sản xuất hai mặt hang đều lợi hơn cho Bồ Đào Nha, nhưng họ sẽ tốt hơn nếu chuyên tâm vào việc sản xuất rượu và đổi lấy vải từ Anh (đương nhiên Anh cũng sẽ chỉ chuyên tâm vào sản xuất vải). Nếu việc thông thương giữa hai nước la tự do thì cả hai sẽ cùng được lợi.

David Ricardo có rất nhiều người bạn cũng là những tư tưởng gia lớn mà điển hình là Thomas Malthus, người vô cùng nổi tiếng với lý thuyết về dân số, lý thuyết này nói một cách đơn giản là sức mạnh về kinh tế tỷ lệ thuận với mức tăng dân số. Tuy hai người là bạn thân thiết, nhưng họ lại luôn tranh luận với nhau. Mặc dù vậy, Ricardo cũng luôn học hỏi từ Malthus. Dựa trên những ý tưởng của Malthus, Ricardo đã lập ra lý thuyết về tiền thuê. Lý thuyết này dựa trên sự quan sát những người nông dân, Ricardo đã nói rằng chính những người chủ đất mới thực sự là người hưởng lợi chứ không phải là những người nông dân trồng trọt trên đất đó nếu mảnh đất trở nên màu mỡ.

Tác phẩm cuối lớn cuối cùng của David Ricardo được xuất bản năm 1817, "Principles of Political Economy and Taxation". Với tác phẩm này, Ricardo đã đưa kinh tế học đến một tầm cao mới, ông đã chính thức hóa trường phái kinh tế cổ điển và thu hút được nhiều người theo trường phái này.

David Ricardo bị buộc phải từ chức tại nghị viện năm 1823 ông mất ngày 11 tháng 9 cùng năm.

Reference

www.cepa.newschool.edu/het/profiles/ricardo.htm

www.bized.ac.uk/virtual/economy/library/economists/ricardo.htm

www.econlib.org/library/Enc/bios/Ricardo.html

www.cyberartsweb.org/victorian/economics/ricardo2.html

***

Shin
20/08/2004


Sunday, December 18, 2005

Tiểu Sử Adam Smith


Adam Smith - Father of Modern Economics (Cha đẻ của nền kinh tế hiện đại)
Tóm tắt tiểu sử:

Adam Smith sinh năm 1723 tại thị trấn Kircaldy, vùng Fife , Scotland . Cha ông mất trước khi ông sinh, ông được mẹ ông một mình nuôi dưỡng. Năm 14 tuổi, Smith đã nhập học Trường đại học Glasglow, một trong những trường nổi tiếng nhất của Scotland . Năm 17 tuổi, Smith đã giành được một học bổng tại trường Balliol, trực thuộc đại học Oxford .

Tại Oxford, Adam Smith tập trung vào việc học tiếng Hy Lạp và văn học châu Âu. Cũng tại đây, Smith đã được đọc cuốn sách "Luận thuyết về bản chất con người " (A treatise of human nature) do David Hume viết. (David Hume cũng là một người Scotland , sinh trước Smith 12 năm. Ông cũng là một trong những tư tưởng lớn thời bấy giờ và cũng là bạn thân của Adam Smith.) Cuốn sách đã đánh dấu một bước ngoặt trong tư tưởng của Adam Smith. Cũng vì đam mê cuốn sách, Adam Smith đã có những mâu thuẫn với ban giám hiệu và các giáo sư ở Oxford . Và từ đó cho đến hết đời, Adam Smith luôn có thái độ khinh thị với Oxford và Cambridge .

Sau khi tốt nghiệp tại Oxford , Smith quay trở lại Scotland và giảng dạy tại các trường đại học. Năm 1751, khi mới 28 tuổi, Smith trở thành giáo sư môn Logic học tại trường đại học Glasgow và rồi 1 năm sau đó được bổ nhiệm làm trưởng khoa "Triết học đạo đức" (Moral Philosophy) . Năm 1758, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Lý thuyết về những cảm nghĩ đạo đức" (Theory of Moral Sentiments).

Năm 1764, Smith từ giã công việc giảng dạy trên và trở thành giáo viên cho vị bá tước trẻ vùng Buccleuch. Trong thời gian kèm cặp vị bá tước trẻ, Smith đã đi khắp nước Pháp và Thuỵ Sĩ. Tại đây, ông đã gặp những tư tưởng lớn đương thời như Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, Anne-Robert-Jacques Turgot.v.v..

Sau đó không lâu, Smith xin nghỉ hưu và trở về quê nhà. Trong suốt gần 10 năm, dựa trên lương hưu từ vị bá tước vùng Buccleuch, Smith chuyên tâm vào việc nghiên cứu và viết sách. Để rồi năm 1776, ông đã cho xuất bản kiệt tác "Tìm hiểu về bản chẩt và nguyên nhân của sự giàu có của các quốc gia" (An Inquiry to the Nature and Causes of the Wealth of Nations). Cùng năm đó, bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ đã được ký, mở đầu cho cuộc cách mạng, và cũng năm đó, David Hume, người bạn thân của Smith, qua đời. Xin nói thêm rằng Adam Smith phản đối việc chính phủ Anh tiếp tục duy trì hệ thống thuộc địa ở châu Mỹ. Ông lập luận rằng việc duy trì và bảo vệ thuộc địa tốn kém cho vương quốc nhiều hơn số lợi nhuận thu được thực sự từ thuộc địa đó. Xét về mặt kinh tế học, Adam Smith ủng hộ việc thương mại tự do (free trade), vì thế ông lên án gay gắt việc chính phủ Anh áp đặt buôn bán thong thương một chiều với các thuộc địa

Smith chuyển đến sống ở London cho đến năm 1778, ông lại quay trở lại Scotland để giữ chức ủy viên văn hoá của thành phố Edinburgh . Adam Smith không lập gia đình và ông đã qua đời vào ngày 19 tháng 7 năm 1790.
Những thành tựu và đóng góp của Adam Smith.

Có lẽ khi nói đến Adam Smith người ta sẽ nhắc đến 2 thứ: kiệt tác "An Inquiry into the Nature and Cause of the Wealth of Nations" và "laissez fair" (phần này xin được giới thiệu riêng)..

Xin được nói thêm về quyển sách nổi tiếng của Adam Smith. Quyển sách này thường được gọi tắt là "The Wealth of Nations". Những tư tưởng và khái niểm trong quyển sách này đã đưa Adam Smith thành một trong những tư tưởng lớn của thế kỷ 18. Và cũng vì thế ông được suy tôn là "cha đẻ" của thuyết kinh tế hiện đại. Thực ra, một số ý tưởng và khái niệm trong quyển sách không thực sự là mới. Trước Smith, rất nhiều nhà khoa học, triết gia khác như điển hình là Turgot, người mà Smith đã gặp và nói chuyện trong thời gian ông ở Pháp, đã có những ý tưởng tương tự. Tuy nhiên sở dĩ Adam Smith được tôn vinh là vì ông đã thâu tóm được các ý tưởng đó và thêm vào các ý tưởng mới và trình bày một cách hoàn chỉnh. Hơn nữa, ông đã tách đuợc kinh tế ra khỏi chính trị, một điều mà chưa ai làm được, và khiến kinh tế trở thành một môn khoa học độc lập. Smith đã tạo tiền đề cho sự phát triển của kinh tế học, và ví dụ điển hình là lý thuyết lợi thế tương đối ("theory of comparative advantage") của David Ricardo và John Stuart Mill sau này.

Một trong những ý tưởng nổi tiếng của Adam Smith là ông đã lập luận rằng, sự thịnh vượng của một quốc gia là dựa trên việc chuyên nghiệp hoá trong lao động. Smith đã dẫn chứng về một xưởng sản xuất đinh ghim mà ông quan sát và lập luận rằng 10 công nhân có thể sản xuất đến 48000 chiếc đinh ghim một ngày, tức trung bình mỗi người 4800 cái, nếu từng người được giao làm những nhiệm vụ cụ thể trong quá trình sản xuất. Cùng trong một ví dụ, Smith đã nêu rõ ràng, rằng nếu mỗi người phải tham gia tất cả các công đoạn thì chỉ làm được tối đa 1 chiếc một ngày, nhiều người thậm chí không thể làm nổi như thế.

Smith là một người ủng hộ một thị trường tự do, nơi mà có tối thiểu sự can thiệp của chính phủ. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là Smith phủ nhận sự cần thiết của một chính phủ. Theo ông, chính phủ có nhiệm vụ rất quan trọng. Đó là duy trì luật pháp bảo vệ các tài sản cá nhân của từng người, cũng như bảo vệ bản quyển sang tạo. Chính phủ cũng cần thiết để xây dựng nhưng công trình phục vụ xã hội nói chung như cầu, đường.Về sau, những người theo học thuyết kinh tế "classical" hay "neo-classical", tuy có suy nghĩ đôi chút khác nhau, nhưng vẫn dựa trên nền tảng là ý tưởng này. Kể cả những người theo trường phái khác như Keynesian hay Marxist đều dành những sự kính phục đối với ông.

Không chỉ là một nhà kinh tế, Adam Smith còn được biết đến là một triết gia lỗi lạc. Tuy nhiên chúng ta hãy tạm thời chỉ biết đến ông với tư cách là một nhà kinh tế học, về mặt triết học hay những thông tin khác về Adam Smith, sau đây là một số website để tham khảo.

Reference: (credits to the following website and authors)

http://www.blupete.com/Literature/Biographies/Philosophy/Smith.htm

http://www.econlib.org/library/Enc/bios/Smith.html (với trang web nay, bạn còn có thể đọc được bản tiếng Anh của "The Wealth of Nations")

http://www2.lucidcafe.com/lucidcafe/library/96jun/smith.html

"An outline of the history of economics thought" by Ernesto Screpanti and Stephano Zamagni

***

Lê Thành Nam
30/07/2004