bizecoGroup - I am for you- We are for Vietnam!

Sunday, December 18, 2005

Tiểu Sử Adam Smith


Adam Smith - Father of Modern Economics (Cha đẻ của nền kinh tế hiện đại)
Tóm tắt tiểu sử:

Adam Smith sinh năm 1723 tại thị trấn Kircaldy, vùng Fife , Scotland . Cha ông mất trước khi ông sinh, ông được mẹ ông một mình nuôi dưỡng. Năm 14 tuổi, Smith đã nhập học Trường đại học Glasglow, một trong những trường nổi tiếng nhất của Scotland . Năm 17 tuổi, Smith đã giành được một học bổng tại trường Balliol, trực thuộc đại học Oxford .

Tại Oxford, Adam Smith tập trung vào việc học tiếng Hy Lạp và văn học châu Âu. Cũng tại đây, Smith đã được đọc cuốn sách "Luận thuyết về bản chất con người " (A treatise of human nature) do David Hume viết. (David Hume cũng là một người Scotland , sinh trước Smith 12 năm. Ông cũng là một trong những tư tưởng lớn thời bấy giờ và cũng là bạn thân của Adam Smith.) Cuốn sách đã đánh dấu một bước ngoặt trong tư tưởng của Adam Smith. Cũng vì đam mê cuốn sách, Adam Smith đã có những mâu thuẫn với ban giám hiệu và các giáo sư ở Oxford . Và từ đó cho đến hết đời, Adam Smith luôn có thái độ khinh thị với Oxford và Cambridge .

Sau khi tốt nghiệp tại Oxford , Smith quay trở lại Scotland và giảng dạy tại các trường đại học. Năm 1751, khi mới 28 tuổi, Smith trở thành giáo sư môn Logic học tại trường đại học Glasgow và rồi 1 năm sau đó được bổ nhiệm làm trưởng khoa "Triết học đạo đức" (Moral Philosophy) . Năm 1758, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Lý thuyết về những cảm nghĩ đạo đức" (Theory of Moral Sentiments).

Năm 1764, Smith từ giã công việc giảng dạy trên và trở thành giáo viên cho vị bá tước trẻ vùng Buccleuch. Trong thời gian kèm cặp vị bá tước trẻ, Smith đã đi khắp nước Pháp và Thuỵ Sĩ. Tại đây, ông đã gặp những tư tưởng lớn đương thời như Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, Anne-Robert-Jacques Turgot.v.v..

Sau đó không lâu, Smith xin nghỉ hưu và trở về quê nhà. Trong suốt gần 10 năm, dựa trên lương hưu từ vị bá tước vùng Buccleuch, Smith chuyên tâm vào việc nghiên cứu và viết sách. Để rồi năm 1776, ông đã cho xuất bản kiệt tác "Tìm hiểu về bản chẩt và nguyên nhân của sự giàu có của các quốc gia" (An Inquiry to the Nature and Causes of the Wealth of Nations). Cùng năm đó, bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ đã được ký, mở đầu cho cuộc cách mạng, và cũng năm đó, David Hume, người bạn thân của Smith, qua đời. Xin nói thêm rằng Adam Smith phản đối việc chính phủ Anh tiếp tục duy trì hệ thống thuộc địa ở châu Mỹ. Ông lập luận rằng việc duy trì và bảo vệ thuộc địa tốn kém cho vương quốc nhiều hơn số lợi nhuận thu được thực sự từ thuộc địa đó. Xét về mặt kinh tế học, Adam Smith ủng hộ việc thương mại tự do (free trade), vì thế ông lên án gay gắt việc chính phủ Anh áp đặt buôn bán thong thương một chiều với các thuộc địa

Smith chuyển đến sống ở London cho đến năm 1778, ông lại quay trở lại Scotland để giữ chức ủy viên văn hoá của thành phố Edinburgh . Adam Smith không lập gia đình và ông đã qua đời vào ngày 19 tháng 7 năm 1790.
Những thành tựu và đóng góp của Adam Smith.

Có lẽ khi nói đến Adam Smith người ta sẽ nhắc đến 2 thứ: kiệt tác "An Inquiry into the Nature and Cause of the Wealth of Nations" và "laissez fair" (phần này xin được giới thiệu riêng)..

Xin được nói thêm về quyển sách nổi tiếng của Adam Smith. Quyển sách này thường được gọi tắt là "The Wealth of Nations". Những tư tưởng và khái niểm trong quyển sách này đã đưa Adam Smith thành một trong những tư tưởng lớn của thế kỷ 18. Và cũng vì thế ông được suy tôn là "cha đẻ" của thuyết kinh tế hiện đại. Thực ra, một số ý tưởng và khái niệm trong quyển sách không thực sự là mới. Trước Smith, rất nhiều nhà khoa học, triết gia khác như điển hình là Turgot, người mà Smith đã gặp và nói chuyện trong thời gian ông ở Pháp, đã có những ý tưởng tương tự. Tuy nhiên sở dĩ Adam Smith được tôn vinh là vì ông đã thâu tóm được các ý tưởng đó và thêm vào các ý tưởng mới và trình bày một cách hoàn chỉnh. Hơn nữa, ông đã tách đuợc kinh tế ra khỏi chính trị, một điều mà chưa ai làm được, và khiến kinh tế trở thành một môn khoa học độc lập. Smith đã tạo tiền đề cho sự phát triển của kinh tế học, và ví dụ điển hình là lý thuyết lợi thế tương đối ("theory of comparative advantage") của David Ricardo và John Stuart Mill sau này.

Một trong những ý tưởng nổi tiếng của Adam Smith là ông đã lập luận rằng, sự thịnh vượng của một quốc gia là dựa trên việc chuyên nghiệp hoá trong lao động. Smith đã dẫn chứng về một xưởng sản xuất đinh ghim mà ông quan sát và lập luận rằng 10 công nhân có thể sản xuất đến 48000 chiếc đinh ghim một ngày, tức trung bình mỗi người 4800 cái, nếu từng người được giao làm những nhiệm vụ cụ thể trong quá trình sản xuất. Cùng trong một ví dụ, Smith đã nêu rõ ràng, rằng nếu mỗi người phải tham gia tất cả các công đoạn thì chỉ làm được tối đa 1 chiếc một ngày, nhiều người thậm chí không thể làm nổi như thế.

Smith là một người ủng hộ một thị trường tự do, nơi mà có tối thiểu sự can thiệp của chính phủ. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là Smith phủ nhận sự cần thiết của một chính phủ. Theo ông, chính phủ có nhiệm vụ rất quan trọng. Đó là duy trì luật pháp bảo vệ các tài sản cá nhân của từng người, cũng như bảo vệ bản quyển sang tạo. Chính phủ cũng cần thiết để xây dựng nhưng công trình phục vụ xã hội nói chung như cầu, đường.Về sau, những người theo học thuyết kinh tế "classical" hay "neo-classical", tuy có suy nghĩ đôi chút khác nhau, nhưng vẫn dựa trên nền tảng là ý tưởng này. Kể cả những người theo trường phái khác như Keynesian hay Marxist đều dành những sự kính phục đối với ông.

Không chỉ là một nhà kinh tế, Adam Smith còn được biết đến là một triết gia lỗi lạc. Tuy nhiên chúng ta hãy tạm thời chỉ biết đến ông với tư cách là một nhà kinh tế học, về mặt triết học hay những thông tin khác về Adam Smith, sau đây là một số website để tham khảo.

Reference: (credits to the following website and authors)

http://www.blupete.com/Literature/Biographies/Philosophy/Smith.htm

http://www.econlib.org/library/Enc/bios/Smith.html (với trang web nay, bạn còn có thể đọc được bản tiếng Anh của "The Wealth of Nations")

http://www2.lucidcafe.com/lucidcafe/library/96jun/smith.html

"An outline of the history of economics thought" by Ernesto Screpanti and Stephano Zamagni

***

Lê Thành Nam
30/07/2004

0 Comments:

Post a Comment

<< Home